BÁC HỒ VÀ CHIẾC Ô TÔ POBEDA

Nhân kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 - 19/5/2015, Thái Dương Auto xin đăng một bài viết về chiếc ô tô 12 năm và 39.463 km có vinh dự chở Hồ Chủ tịch, chiếc xe hơi mang tên Pobeda vẫn còn đó như minh chứng cho lối sống giản dị và thanh cao của Người.

Pobeda – “Chiến thắng”

GAZ-M20, hay “Pobeda” (có nghĩa là Chiến Thắng), là sản phẩm của hãng xe GAZ thuộc Liên bang Xô Viết, sản xuất từ năm 1946 đến năm 1958.
Tên gọi Pobeda của xe bắt nguồn từ việc thử nghiệm thành công mẫu xe vào năm 1943, đúng với thời điểm Thế chiến thứ 2 sắp ngã ngũ, với chiến thắng thuộc về Liên Xô.


Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

AZ-M20, hay “Pobeda”.

Mặc dù trong thời gian sản xuất, nhà máy của GAZ đã bị bắn phá rất nhiều, nhưng cũng không ngăn cản được sự quyết tâm của nhóm phát triển xe. Do đó, ngày 6/11/1944, mẫu xe thương mại đầu tiên đã được sản xuất hoàn tất.

Pobeda sở hữu khối động cơ 2.1 lít, 4 xi-lanh thẳng hàng, sản sinh công suất 50 mã lực, giúp chiếc xe có thể đạt tốc độ tối đa 105 km/h. Bên cạnh đó, đây là chiếc xe đầu tiên tại Liên Xô được trang bị đèn xi-nhan, hai cần gạt nước điều khiển điện, máy sưởi điện và hệ thống radio AM.

Thời điểm đó, Pobeda trở thành phương tiện biểu tượng của Liên Xô, đồng thời nó cũng là một món đồ xuất hiện nhiều trong các bộ sưu tập ngày nay. Trong những năm tháng “hoàng kim” của mình, Pobeda đã được sản xuất tổng cộng 235.997 chiếc, bao gồm 14.220 chiếc mui trần. Chính sự hoàn hảo của Pobeda đã khiến nó trở nên rất phổ biến tại Liên Xô.


Chiếc xe của Bác

Pobeda là một trong 6 chiếc ô tô do Chính phủ Liên Xô tặng Việt Nam năm 1955. Tháng 3/1957, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao chuyển cho Văn phòng Phủ Chủ tịch. Xe đã phục vụ Bác Hồ từ năm 1957 đến năm 1969, và đã chạy được 39.463 km.


Chiếc xe gắn bó với Bác.

Chiếc xe mà Bác sử dụng có màu cà phê sữa. Dù là xe cũ nhưng các lái xe chăm chút bảo quản nên vẫn phục vụ Bác được. Xe sử dụng lâu năm cũng xuống cấp nhiều, nên cán bộ giúp việc có ý muốn thay chiếc xe mới. Bác biết tin, Bác hỏi đồng chí lái xe:

- Xe hiện nay đã hỏng chưa?

- Thưa Bác, xe chưa hỏng nhưng đổi xe mới chạy êm hơn, nhanh hơn…

Nghe vậy, Bác nói ngay:

- Nếu thế thì chưa nên đổi. Ai muốn xe chạy nhanh hơn, ngồi êm hơn thì đổi. Bác vẫn dùng chiếc xe này được rồi, vì nó chưa hỏng.

Bác còn nói thêm: xe tốt thì nên ưu tiên cho các đồng chí làm ngoại giao khi cần tiếp khách quốc tế trước…

Cán bộ giúp việc chưa từ bỏ ý định, mới bàn riêng với lái xe, nhân một lần đi công tác, cố tạo ra sự cố hỏng xe để lấy cớ “xe quá cũ, máy nóng… không khởi động được”, nhưng Bác vẫn không đổi ý, còn dặn:

- Lần sau, trước khi đi công tác, nên kiểm tra cẩn thận, chuẩn bị tốt thì sẽ không bị lỡ công việc.


Cứ như vậy, Bác thủy chung với chiếc xe “Chiến Thắng” cho tới ngày Bác đi xa.

Chung quanh chuyện sinh hoạt đời thường của Bác có rất nhiều chuyện xúc động, như cách sử dụng và gắn bó với chiếc xe Pobeda cũ kỹ nói trên là một ví dụ. Cũng qua đó mà mọi người mới thấy rằng, bao giờ Bác Hồ cũng thể hiện rất tiết kiệm, đơn sơ mà gần gũi, bình dân… là bài học giáo dục lớn một cách sinh động nhất.